Giá dầu giảm vào ngày thứ Năm (07/4), nối dài đà giảm trong tuần do sự không chắc chắn rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thể trừng phạt có hiệu quả hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga và sau khi các quốc gia tiêu thụ thông báo giải phóng lượng lớn dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp.
Giá dầu cũng chịu áp lực bởi lo ngại rằng lệnh phong tỏa ở Trung Quốc vì dịch Covid-19 sẽ làm chậm đà phục hồi nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 49 xu (tương đương 0.5%) xuống 100.58 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI mất 20 xu (tương đương 0.6%) còn 96.03 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả 2 hợp đồng đều sụt hơn 5% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, nói trong một cuộc họp NATO rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU, bao gồm lệnh cấm đối với than đá Nga, có thể được thông qua vào ngày thứ Năm hoặc thứ Sáu (08/4) và khối này sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ tiếp theo.
Tuy nhiên, lệnh cấm than đá sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8/2022, chậm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Bob Yawger, Giám đốc các hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định: “Không ai muốn tự làm khó mình và trừng phạt ngành năng lượng Nga, vốn đang thúc đẩy thị trường leo cao”.
Ấn Độ tiếp tục mua dầu thô nhập khẩu từ Nga đã được giảm giá, đẩy lùi những gì mà các chuyên gia phân tích dự đoán rằng 2-3 triệu thùng/ngày dầu Nga sẽ bị mất khỏi thị trường.
Tại Trung Quốc, nhiều đợt bùng phát Covid-19 đã khiến Thượng Hải phong tỏa trên diện rộng, vốn là thành phố đông dân nhất nước này.
Vào ngày thứ Tư (06/4), các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã thống nhất giải phóng 60 triệu thùng so với mức 180 triệu thùng được giải phóng từ Mỹ để giúp giảm giá nhiên liệu.
Nhật Bản sẽ giải phóng 15 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ của nhà nước và tư nhân, nhật báo Kyodo đưa tin.