Giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ vào ngày thứ Tư (02/3), với dầu Brent vượt mốc 113 USD/thùng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, quyết định giữ sản lượng ổn định.
Thị trường dầu vốn đã eo hẹp trước khi Nga tấn công Ukraine, và với việc các quốc gia hiện từ chối dầu từ nhà sản xuất chủ chốt là Nga, nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt.
Vào ngày thứ Tư, hợp đồng dầu WTI vọt hơn 8% lên 112.51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Hợp đồng dầu Brent cộng 8.3% lên 113.58 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.
Giá dầu sau đó đã rút khỏi các mức đỉnh. Cuối phiên ngày thứ Tư, hợp đồng dầu WTI đứng ở mức 106.73 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent ở mức 109.18 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh vào ngày thứ Tư cho biết nhóm này sẽ nâng sản lượng trong tháng 4/2022 thêm 400,000 thùng/ngày so với mức tháng 3, bất chấp sự phục hồi bùng nổ của dầu đã đẩy giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng.
Cả dầu WTI và dầu Brent đồng loạt vượt mốc 100 USD/thùng vào ngày 24/2 lần đầu tiên kể từ năm 2014 sau khi Nga tấn công Ukraine, gây ra lo ngại về nguồn cung.
“Giá dầu thô không thể ngừng leo cao khi thị trường dầu vốn rất eo hẹp sẽ có thể gặp rủi ro hơn nữa đối với nguồn cung khi chiến tranh ở Ukraine kéo dài”, Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Vào ngày 01/3, các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ trong một nỗ lực nhằm kìm hãm đà leo dốc giá dầu. Theo đó, Mỹ sẽ giải phóng 30 triệu thùng.
Tuy nhiên, thông báo này cũng không giúp xoa dịu thị trường.
Cả dầu WTI và dầu Brent hiện đều leo dốc hơn 40% từ đầu năm đến nay khi nhu cầu phục hồi còn nguồn cung vẫn hạn hẹp.