Giá dầu giảm hơn 4 USD vào ngày thứ Tư (07/9) xuống mức thấp nhất kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, do lo ngại nhu cầu xuất hiện bởi rủi ro suy thoái và dự liệu thương mại ảm đạm của Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent rớt 4.83 USD (tương đương 5.2%) xuống 88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 4.94 USD (tương đương 5.69%) còn 81.94 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Stephen Brennock của PVM nhận định: “Bóng ma của một cuộc suy thoái nhu cầu trên khắp thế giới phương Tây đang gần trở thành hiện thực hơn khi lạm phát tăng vọt và lãi suất cao ảnh hưởng đến tiêu dùng”.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch vào ngày thứ Ba (06/9) cho biết việc ngừng hoạt động đường ống dẫn Nord Stream 1 đã làm tăng khả năng suy thoái ở khu vực đồng Euro.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất mạnh khi nhóm họp vào ngày thứ Năm (08/9). Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày 21/9.
Dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc trong bối cảnh chính sách zero-Covid-19 nghiêm ngặt của nước này cùng làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 9.4% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu hải quan cho thấy vào ngày thứ Tư.
Trong khi đó, Thủ tướng mới của nước Anh, Liz Truss, vào ngày thứ Tư cho biết bà muốn thấy nhiều hoạt động khai thác dầu và khí đốt từ Biển Bắc.
Giá dầu đã được hỗ trợ trước đó nhờ lời đe doạ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng sẽ ngừng cung cấp dầu và khí đốt nếu giới hạn giá bị áp đặt đối với các nguồn năng lượng của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đề xuất giới hạn khí đốt của Nga chỉ vài giờ sau đó, làm tăng nguy cơ phân chia khẩu phần ở một số quốc gia giàu nhất thế giới vào mùa đông này.
Các nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu sẽ khan hiếm trong quý cuối cùng của năm.
Một cuộc thăm dò của Reuters dự báo dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 4 tuần liên tiếp, sụt 733,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 02/9.