Giá dầu WTI sụt 6% vào ngày thứ Hai (09/5) cùng với chứng khoán Mỹ, khi Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều khu vực vì Covid-19, làm gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent rớt 6.45 USD (tương đương 5.7%) xuống 105.94 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 6.68 USD (tương đương 6.1%) còn 103.09 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng đều tăng 35% từ đầu năm đến nay.
Các thị trường tài chính toàn cầu đều chao đảo bởi lo ngại về nâng lãi suất và suy thoái khi các biện pháp phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt và rộng rãi hơn ở Trung Quốc dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tháng 4 ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associated, nhận định: “Việc phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ, vốn đang bị bán tháo cùng với cổ phiếu”.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm 4.8% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, nhập khẩu tháng 4 đã vọt gần 7%.
Nhập khẩu dầu Iran của Trung Quốc trong tháng 4 đã không đạt được khối lượng cao nhất vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập suy yếu sau các đợt phong tỏa dịch bệnh Covid-19 và do nhập khẩu dầu Nga tăng nhờ giá dầu giảm.
Các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall chìm trong sắc đỏ và đồng USD chạm mức cao nhất trong 2 thập kỷ, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Ả-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã hạ giá dầu thô của châu Á và châu Âu trong tháng 6/2022.
Tại Nga, sản lượng dầu tăng vào đầu tháng 5 so với tháng 4 và sản lượng ở mức ổn định, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, sau khi sản lượng dầu Nga giảm vào tháng 4 khi các quốc gia phương Tây áp đặt trừng phạt đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp đặt lệnh cấm vận từng giai đoạn đối với dầu Nga, thúc đẩy giá dầu Brent và dầu WTI leo dốc 2 tuần liên tiếp. Đề xuất này cần cuộc bỏ phiếu thống nhất của các thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này để thông qua.