Giá dầu giảm nhẹ bất chấp dự báo nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế do lo ngại rằng FED sẽ nâng lãi suất cao.
Giá dầu giảm nhẹ vào ngày thứ Năm (10/02) bất chấp dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng tăng mạnh, với dầu thô suy giảm do lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất tích cực hơn dự báo để đối phó với lạm phát.
Sau khi tăng hơn 1% vào đầu phiên, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 14 xu (tương đương 0.15%) xuống 91.41 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu WTI tiến 22 xu (tương đương 0.25%) lên 89.88 USD/thùng.
Sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố vào ngày thứ Năm ở mức nóng nhất trong 40 năm, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết ông muốn nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản vào ngày 01/7/2022.
Các hợp đồng lãi suất tương lai của Mỹ cho thấy 60% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3/2022 sau những nhận định của ông Bullard. Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ.
Đồng USD đã xóa bớt đà giảm. Đồng USD mạnh hơn làm dầu và các hàng hóa khác trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Vào ngày thứ Tư (09/02), giá dầu đã tăng sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi nhu cầu nhiên liệu đạt mức cao kỷ lục.
Sau dữ liệu về dự trữ tại Mỹ, giá dầu đã đảo chiều giảm do việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp của Iran – Mỹ một ngày trước đó. Một thỏa thuận thành công có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran và giảm bớt tình trạng nguồn cung toàn cầu bị eo hẹp.
Vào ngày thứ Năm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo định kỳ hàng tháng rằng nhu cầu dầu thế giới có thể tăng mạnh hơn nữa trong năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Nhìn chung, nguồn cung dầu thô ít ỏi, sản lượng và dự trữ thấp đang khiến giá dầu tăng, theo Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG).