Áp lực đối với giá dầu thô tiếp tục tăng cao khi căng thẳng giữa Nga và Ucraina không có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi nguồn cung ít có triển vọng tăng mạnh trong ngắn hạn.
Theo oilprice, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 93,87 USD/thùng, tăng 77 cent, tương đương 0,83%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 0,59%, tương đương 0,56 lên 95 USD/thùng.
Giá dầu tuần trước đã tạo “bão” vào phút cuối khi tăng chóng mặt lên tới 5% trước khi lùi về mức tăng hơn 3%, đánh dấu thêm một tuần “giá tăng”.
Trong tuần, dầu WTI đã “lập đỉnh” 94,42 USD/thùng hôm 11-2 và dầu Brent cũng xác lập kỷ lục trước khi quay đầu về mốc 94,44 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm khi thông tin về vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp Mỹ-Iran được nối lại tại Vienna (Áo) ngày 8-2. Nếu một thỏa thuận hạt nhân đạt được trong vòng đàm phán này, xuất khẩu dầu của Ira sẽ được khôi phục nhanh chóng, giúp “hạ nhiệt” giá dầu đang khá “nóng”.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã và đang đẩy giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến mà nguồn cung khó có thể theo kịp.
Giá dầu thô đã tăng khoảng 20% trong năm nay và có khả năng vượt 100 USD/thùng trong thời gian tới.
Dù Nga luôn bác bỏ kế hoạch triển khai hành động quân sự nhưng sự hiện diện của quân đội Nga gần biên giới Ukraine càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang giữa Moskva và Kiev.
Đã có những quan chức, kể cả quan chức quân sự, của Mỹ và phương Tây dự báo về một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine từ phía Nga trong tuần này. Một "chiến dịch kinh hoàng, đẫm máu sẽ bắt đầu với hai ngày bắn phá và chiến tranh điện tử”.
Nếu Nga tấn công Ukraine, một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được áp dụng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ bị “gián đoạn” trong khi châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn xuất khẩu này. Đây cũng chính là "quân bài" chiến lược nếu Nga muốn trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây trong cuộc khủng hoảng với Ukraine.
Thêm nữa, Ukraine cũng là một mắc xích trong chuỗi cung ứng năng lượng cho châu Âu vì nước này thuộc tuyến đường vận chuyển nhiên liệu từ Nga đến liên minh châu Âu.
Nếu thực sự như dự báo, nguồn cung vốn dầu vốn đã bị thắt chặt sẽ lại càng eo hẹp hơn và giá dầu sẽ lại tăng “sốc” như cuối tuần trước.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-2 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 24.571 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.322 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.751 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.659 đồng/kg.
Giá nói trên được áp dụng từ chiều 11-2 tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công thương. Trong kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của xăng dầu trong nước, lần tăng thứ 3 kể từ đầu năm và là lần tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.