Giá dầu thô vọt lên 2%, ổn định ở mức quanh mức 95 USD/thùng và đang chờ đợi tín hiệu tiếp theo từ căng thẳng giữa Nga - Ucraina.
Giá dầu vọt hơn 2% vào ngày thứ Hai (14/02) lên mức cao nhất trong hơn 7 năm, khi Tổng thống Ukraine cho biết ông nghe nói Nga có thể tấn công nước này vào ngày 16/02.
Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, và lo ngại rằng nước này có thể tấn công Ukraine đã khiến giá dầu leo dốc lên gần 100 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 2.04 USD (tương đương 2.2%) lên 96.48 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 là 96.78 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI cộng 2.36 USD (tương đương 2.5%) lên 95.46 USD/thùng, sau khi chạm 95.82 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết ông nghe rằng ngày thứ Tư (16/02) có thể là ngày Nga tấn công.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không có “dấu hiệu rõ ràng” nào cho thấy sự suy giảm tăng cường lực lượng quân đội Nga ở biên giới Ukraine, đồng thời cho biết thêm vẫn chưa rõ liệu Nga có quan tâm đến việc theo đuổi con đường ngoại giao hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang chuyển các hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Ukraine từ thủ đô Kyiv đến thành phố phía Tây Lviv, với lý do “có sự tăng cường đáng kể lực lượng quân sự Nga”.
Nga đã tập trung hàng ngàn quân gần biên giới Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận kế hoạch tấn công và cáo buộc các quốc gia phương Tây là những kẻ cuồng loạn. Vào ngày 13/02, Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và có thể tạo ra một cuộc tấn công bất ngờ.
Nga là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất, với công suất khoảng 11.2 triệu thùng/ngày, Nishant Bhushan, Chuyên gia phân tích thị trường dầu cấp cao tại Rystad Energy, chia sẻ.
Ông Bhushan nói thêm: “Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung dầu nào từ khu vực sẽ khiến giá dầu Brent và dầu WTI vọt lên trên 100 USD/thùng, trong một thị trường đang vật lộn để cung đáp ứng cầu gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã rất khó khăn để đạt được cam kết hàng tháng tang sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày cho đến tháng 3/2022.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động.
IEA cho biết khoảng cách giữa mục tiêu của OPEC+ và sản lượng thực tế đã mở rộng.