Tin Cập nhật

GIÁ DẦU 21/04: DẦU PHỤC HỒI KHI LO NGẠI VỀ NGUỒN CUNG TĂNG

Ngày 21-04-2022 Lượt xem 213

Giá dầu phục hồi vào ngày thứ Tư (20/4), khi dự trữ dầu tại Mỹ giảm và lo ngại về nguồn cung eo hẹp từ Nga và Libya đã thúc đẩy đà phục hồi từ mức giảm mạnh trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 65 xu (tương đương 0.6%) lên 107.90 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.06 USD (tương đương 1%) lên 103.62 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều sụt 5.2% trong phiên biến động ngày thứ Ba (19/4) sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1 điểm phần trăm, với lý do tác động kinh tế của cuộc chiến Nga – Ukraine và cảnh báo rằng lạm phát đã trở thành “một mối nguy rõ ràng và hiện diện” đối với nhièu quốc gia.

Giá dầu toàn cầu đã khởi sắc nhờ dự báo nguồn cung eo hẹp hơn sau các lệnh trừng phạt Nga – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới và là một nhà cung cấp quan trọng cho châu Âu – vì cuộc chiến Ukraine, mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn và các biện pháp phong tỏa kéo dài vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và gây áp lực lên giá dầu.

Về phía nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã sản xuất 1.45 triệu thùng/ngày trong tháng 3, thấp hơn mức mục tiêu khi sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nhiều sự gián đoạn đã làm tăng lo ngại về nguồn cung. Thành viên OPEC Libya đã buộc phải mất 550,000 thùng/ngày sản lượng dầu vì làn sóng phong tỏa các cảng xuất khẩu và mỏ dầu lớn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho hay vào ngày thứ Tư.

Tại Mỹ, dự trữ dầu thô sụt 4.5 triệu thùng trong tuần trước, theo báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Một nguồn tin nói với Reuters rằng Ủy ban châu Âu (EC) đang đẩy nhanh tốc độ sẵn có của các nguồn cung năng lượng thay thế nhằm cắt giảm chi phí cho việc cấm nhập khẩu dầu Nga, đồng thời thuyết phục Đức và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) miễn cưỡng chấp nhận biện pháp này.

Gọi ngay: 0225 3625 882
SMS: 0225 3625 882 Chat Zalo Chat qua Messenger
0225 3625 882