Giá dầu khởi sắc nhưng trong phạm vi hẹp vào ngày thứ Năm (21/4), sau khi bị biến động hồi đầu tuần do sự thiếu hụt nguồn cung từ Libya và lo ngại về triển vọng nhu cầu khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 1.64 USD (tương đương 1.5%) lên 108.44 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.57% lên 103.79 USD/thùng.
Các chuyên gia phân tích cho biết biến động trên thị trường có thể sớm tăng trở lại, với việc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cân nhắc cấm vận dầu Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Libya, một thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vào ngày 20/4 cho biết nước này đang mất hơn 550,000 thùng/ngày sản lượng dầu do các vụ phóng hỏa tại mỏ dầu lớn và cảng xuất khẩu.
Triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục gây áp lực cho thị trường, khi quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới từ từ nới lỏng các quy định hạn chế vì Covid-19, vốn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
IMF nhấn mạnh những rủi ro ở Trung Quốc khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần 1 điểm phần trăm vào ngày 19/4. Tuy nhiên, thị trường dầu vẫn eo hẹp với việc OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga, được gọi chung là OPEC+, gặp khó khăn để đáp ứng mục tiêu sản lượng và với việc dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trong tuần kết thúc ngày 15/4.
8 tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, các nước châu Âu đang đánh giá các phương án để bù đắp khả năng cấm vận dầu Nga, nhưng vẫn chưa có quyết định nào về đợt trừng phạt thứ 6.