Với những tin tức từ việc năng lực sản lượng của các thành viên OPEC+ bị thu hẹp và các căng thẳng địa chính trị đang leo thang đã tạo áp lực đẩy giá dầu tăng mạnh trong ngày đầu tuần.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ trên thị trường quốc tế tăng 1,08% lên 85,77 USD/thùng vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam) ngày 24/1. Giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng tăng 0,69% lên 87,68 USD/thùng. Cuối tuần trước, giá dầu thô giảm vì báo cáo dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng.
Dầu đã tăng giá từ đầu năm, với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ kéo giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 7 năm, làm tăng kỳ vọng rằng giá mỗi thùng dầu sẽ sớm đạt 100 USD.
Dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy giá dầu thô Brent đã tăng gần 14% từ đầu năm đến nay, trong khi giá dầu thô ngọt, nhẹ WTI của Mỹ tăng hơn 15%.
Ông Naeem Aslam, nhà phân tích thị trường tại AvaTrade, nêu ra 4 yếu tố đứng sau sự gia tăng của dầu.
Yếu tố đầu tiên là hoạt động cung ứng liên quan đến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
"Nhóm các nước sản xuất dầu lớn không nhận thấy nhu cầu tăng nguồn cung một cách mạnh mẽ và họ cũng cho biết rằng chỉ một mình nhóm sản xuất không thể mang lại nguồn cung dầu cao hơn", Aslam giải thích.
Năng lực sản xuất dự phòng của OPEC đã giảm xuống 4 triệu thùng/ngày so với mức cao trước đó là 11 triệu thùng/ngày. "Rõ ràng không còn nhiều công suất dự phòng và các vấn đề về nguồn cung trong ngắn hạn có khả năng kéo dài", ông nói thêm.
Thứ hai, đầu tư và cho vay trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cũng đã giảm đáng kể do sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. "Điều này đang tạo thêm áp lực lên các nhà sản xuất đang không tìm được nhà đầu tư cho các dự án của họ", ông Aslam nói.
Biến thể Omicron của virus corona không ảnh hưởng xấu đến nhu cầu dầu như dự đoán trước đó. Mặc dù một số quốc gia áp đặt hạn chế đi lại, giới chức đang bỏ dần những mệnh lệnh đó. "Các lệnh phong toả khu vực chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn", ông viết trong bản cập nhật.
Và nếu đại dịch đã chuẩn bị kết thúc, như một số người dự đón, điều đó nghĩa là nhu cầu về dầu sẽ nhiều hơn, theo MarketWatch.
Thị trường dầu mỏ cũng đang theo sát các diễn biến địa chính trị, do tác động tiềm tàng của chúng đối với nguồn cung toàn cầu.
"Những căng thẳng địa chính trị này đang tạo ra mối đe dọa về sự gián đoạn nguồn cung, mà nhiều nhà giao dịch cho rằng đó là yếu tố tích cực đối với giá dầu", ông Aslam nói và tin rằng mức 100 USD/thùng sẽ không còn xa.
Bất ổn ở Kazakhstan vào đầu tháng này đã làm gia tăng lo ngại về sản lượng dầu của quốc gia này, trong khi cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và sự gián đoạn tạm thời đối với dòng chảy dầu thô qua đường ống Kirkuk-Ceyhan đã góp phần kéo giá dầu lên cao.
Tình hình địa chính trị đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày, ông Aslam cho biết. Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng lập trường mạnh mẽ đối với Nga và ông ấy đã thề sẽ trừng phạt Nga nếu nước này tấn công Ukraina.