Tin Cập nhật

GIÁ DẦU 25/02: GIÁ DẦU KHÔNG GIỮ ĐƯỢC Ở MỨC GIÁ 100 USD

Ngày 25-02-2022 Lượt xem 283

Việc Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh có lúc vượt qua mốc 100 USD/thùng nhưng sau đó đã tụt giảm xuống dưới 100 USD/thùng khi thị trường kiểm soát được cơn hoảng loạn.

Giá dầu tăng vọt trong phiên giao dịch ngày giao dịch thứ Năm khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, hợp đồng dầu Brent vượt mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Sau đó, giá điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch buổi trưa tại Wall Street sau khi tổng thống Joe Biden cho hay hiện tại chưa có kế hoạch trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga.

Nga với vai trò là nước sản xuất khí thiên nhiên lớn thứ hai trên thế giới và là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, mọi người đều cho rằng cuộc tấn công sẽ gây ra những ảnh hưởng khó lường đến thị trường năng lượng.

Giá dầu đã leo dốc hơn 20 USD/thùng kể từ đầu năm trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-Ukraine leo thang. Giờ đây, thị trường đang lo lắng một đợt trừng phạt quốc tế lên ngành năng lượng của Nga sẽ làm lủng đoạn nguồn cung.

Hợp đồng dầu Brent nhảy hơn 8% tạo đỉnh trong phiên tại 105.79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Trong khi đó, hợp đồng WTI tăng vọt hơn 9% giao dịch tại 100.54 USD/thùng, lần cuối giao dịch tại đây là tháng 7/2014.

Cả hai hợp đồng đều điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch buổi trưa. Kết thúc ngày giao dịch, hợp đồng WTI chỉ còn nhích 71 xu, hay 0.77%, lên 92.81 USD/thùng. Có thời điểm hợp đồng này còn rớt giá so với ngày hôm trước. Hợp đồng dầu Brent kết thúc ngày giao dịch tại mức giá 99.08 USD/thùng, cộng 2.3%.

Khí thiên nhiên cũng tăng 6.5%. Giá vàng giao ngay, thường được xem là tài sản trú ẩn an toàn, nhảy thêm 2.6%, cuối ngày giao dịch tại 1,957.46 USD/oz.

 

Sáng sớm ngày thứ Năm giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành tấn công Ukraine sau nhiều tháng củng cố quân sự tại đường biên giới chung của hai nước. Chỉ thị này diễn ra vài ngày sau khi lãnh đạo điện Kremlin chính thức công nhận độc lập hai khu vực ly khai tại miền đông Ukraine.

NBC News đưa tin nghe được những tiếng nổ tại thủ đô Kyiv của Ukraine. Khủng hoảng tại Ukraine đang thay đổi nhanh chóng và khó xác nhận những thông tin cụ thể từ nước này.

Ngày thứ Năm, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trên Twitter rằng Putin khởi động cuộc chiến vào Ukraine. Ông Kuleba kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngăn chặn Tổng thống Nga. “Bây giờ chính là thời điểm cần phải hành động”, ông nói.

Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Nhật Bản nằm trong các quốc gia công bố đợt trừng phạt đầu tiên với Nga trong đầu tuần này, nhắm tới các ngân hàng và cá nhân giàu có.

Nhiều người cho rằng không lâu sau đó sẽ diễn ra đợt trừng phạt thứ hai, mặc dù một số nhà phân tích tin rằng các quốc gia phương Tây nhiều khả năng sẽ loại trừ giao dịch năng lượng khỏi những biện pháp trừng phạt.

Đầu tuần, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát biểu rằng tác động rõ rệt tới thị trường dầu thế giới vẫn chưa được xác định, các quốc gia thành viên vẫn đang quan sát “sẵn sàng chung tay hành động nhằm đảm bảo nguồn cung thỏa đáng cho thị trường dầu toàn cầu”.

Hành động trừng phạt vẫn chưa rõ nét

“Trong giai đoạn này rõ ràng là chưa có gì có thể tác động tới Tổng thống Nga, do đó tình hình chung, thị trường chứng khoán và thị trường dầu vẫn sẽ còn nhiều biến động”, Tamas Varga, Chuyên viên phân tích cao cấp của PVM Oil Asociates, nhận định trong một bài nghiên cứu hôm thứ Năm.

“Mặc dù nếu giá lại rớt xuống mức 100 USD/thùng do căng thẳng thuyên giảm tại Đông Âu, bước điều chỉnh này phần nhiều không kéo dài được lâu và sự khan hiếm nguồn cung vẫn sẽ khiến giá dầu leo thang trong những tháng tới”, ông nói thêm.

Matthew Smith, Chuyên viên phân tích dầu tại Kpler, cho hay cuộc tấn công của Nga có khả năng chưa gây gián đoạn tức thì tới nguồn cung dầu.

Xét về khía cạnh năng lượng, châu Âu và Nga có sự kết nối tương quan, bên này phụ thuộc vào bên kia, ông Smith chia sẻ với “Capital Connection” của CNBC vào thứ Năm. Ông nhận định thêm Mỹ và phương Tây có lẽ không áp biện pháp trừng phạt nhắm thẳng vào dòng chảy năng lượng.

"Có khả năng nguồn cung dầu thô sẽ không bị gián đoạn mặc dù căng thẳng đang leo thang”, ông Smith nói.

Bên cạnh tình trạng nguồn cung hạn chế, bà Ellen Wald, Chủ tịch của Transversal Consulting, nhận định hiện vẫn chưa rõ về các biện pháp trừng phạt từ phía chính quyền Biden.

“Liệu họ có trừng phạt lĩnh vực dầu hay khí thiên nhiên của Nga? Vì điều này sẽ gây tác động đáng kể tới người tiêu dùng Mỹ và nước này cũng có nhập khẩu dầu từ Nga. Thực tế là khi chúng ta đang nói chuyện với nhau thì dầu vẫn đang được nhập khẩu vào Mỹ”, bà Wald trao đổi với “Street Signs Asia”.

“Hiện tại chúng ta đã thực sự chứng kiến xung đột quân sự diễn ra, làm tê liệt việc vận chuyển dầu ra khỏi một số khu vực, đặc biệt là Biển Đen. Do đó, tôi nghĩ giá cả thị trường cũng đã phản ánh yếu tố đó”, Ellen Wald chia sẻ vào thứ Năm.

Trong báo cáo ngày thứ Tư (23/2), Goldman Sachs cho biết căng thẳng tại Ukraine sẽ có tác động hạn chế tới giá năng lượng tại Mỹ.

“Châu Âu nhập khẩu lượng lớn nguồn cung khí thiên nhiên từ Nga, trong khi Mỹ lại là nước xuất khẩu ròng khí thiên nhiên và tác động lan truyền tới giá khí tại Mỹ có thể khá khiêm tốn”, các chuyên viên phân tích tại ngân hàng này cho biết.

“Các chuyên gia hàng hóa của chúng tôi dự báo tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine tới giá dầu chỉ ở mức hạn chế. Dù vậy, họ vẫn nhận thấy rủi ro giá dầu sẽ tăng mạnh hơn vì thị trường dầu đang thiếu hụt nguồn cung”.

Gọi ngay: 0225 3625 882
SMS: 0225 3625 882 Chat Zalo Chat qua Messenger
0225 3625 882