Giá dầu tăng vào ngày thứ Ba (31/5) sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận cấm vận 90% dầu thô Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều sau khi báo cáo từ Wall Street Journal nói rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang xem xét việc đình chỉ Nga khỏi thỏa thuận sản lượng của nhóm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu WTI lùi 40 xu (tương đương 0.35%) xuống 114.67 USD/thùng. Vào đầu phiên, hợp đồng này dao động ở mức cao 119.43 USD/thùng, cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022.
Giá dầu tăng vọt vào đầu phiên sau khi EU đạt được thỏa thuận cấm vận dầu Nga, sau nhiều tuần bế tắc do Hungary ban đầu trì hoãn đàm phán. Hungary là một quốc gia sử dụng dầu Nga nhiều và nhà lãnh đạo nước này, Viktor Orban, có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Charles Michel, Chủ tịch của Hội đồng châu Âu, cho biết động thái này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 70% lượng dầu Nga nhập khẩu.
Lệnh cấm vận là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga kể từ cuộc xung đột ở Ukraine. Các cuộc đàm phán về cấm vận dầu Nga đã được tiến hành từ đầu tháng.
Hội đồng châu Âu cho biết thêm rằng trong trường hợp nguồn cung “bị gián đoạn đột ngột”, “các biện pháp khẩn cấp” sẽ được đưa ra để đảm bảo an ninh nguồn cung.
Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga, một quốc gia đóng vai trò vượt trội trên thị trường dầu toàn cầu.
Lệnh cấm vận có thể làm tăng lo ngại về một thị trường năng lượng vốn đã khan hiếm. Giá năng lượng tăng vọt trong năm qua, góp phần vào môi trường lạm phát nóng ở nhiều quốc gia.
Trong khi đó, OPEC+ dự kiến bám sát kế hoạch ban đầu là tăng dần 432,000 thùng/ngày trong tháng 7.