Các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt giảm giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/9. Giá xăng giảm thêm 450-631 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh 1.650 đồng/lít.
Theo đó, giá xăng RON95 giảm 630 đồng/lít, giá bán là 22.580 đồng/lít. Xăng E5 giảm 450 đồng/lít, giá bán là 21.780 đồng/lít. Mức giá này giảm về mức tương đương thời điểm tháng 10/2021. Đây cũng là lần thứ ba giá xăng giảm liên tiếp.
Như vậy, đến nay, mặt hàng xăng đã có 25 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 11 lần giảm, một lần giữ nguyên. Với lần giảm giá này, giá xăng đã giảm mạnh so với mức giá đỉnh là 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6, tức giá hiện tại đã thấp hơn thời điểm giá xăng dầu bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine.
Giá dầu diesel cũng giảm mạnh, 1.650 đồng/lít, giá hiện tại không cao hơn 22.530 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, ngoài việc ngừng chi Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 450 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 90 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước).
Ngày 15/9, tại họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt. Giá xăng dầu tác động rõ rệt tới rổ hàng hoá (lương thực thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ) trong nước.
"Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới", ông Thanh nói.