Giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014 trong tuần trước, khiến Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra cam kết mới để có thể giảm giá xăng cho người dân Mỹ. Dầu giao dịch trong tuần trước thậm chí còn cao hơn so với hồi tháng 11 năm 2021. Khi đó, Chính quyền Biden đã thông báo giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) nhằm hạ nhiệt giá xăng cao trong một nỗ lực phối hợp với các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác.
Sau khi quay đầu giảm từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 - do thị trường bán tháo bởi nỗi lo sợ hoảng loạn Omicron, chứ không phải do thông báo giải phóng SPR - giá xăng tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay khi giá dầu thô quốc tế leo thang do nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu phục hồi bất chấp làn sóng Omicron.
Hôm thứ Năm, AAA cho biết giá dầu thô tăng đang đẩy mức giá trung bình trên cả nước lên cao hơn, khi giá xăng thường có mức trung bình là 3,32 USD/gallon.
Chính quyền Biden một lần nữa đang loay hoay tìm các giải pháp, cho rằng giá xăng cao là “lằn ranh đỏ” đối với hầu hết các cử tri. Giá xăng cao và lạm phát hàng năm ở mức cao nhất ở Mỹ trong 40 năm đã trở thành một vấn đề chính trị nhạy cảm đối với Tổng thống Joe Biden. Năm nay cũng là năm bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó đảng Dân chủ sẽ phải đưa ra các giải pháp — và hy vọng các sự kiện toàn cầu sẽ giải cứu họ — nếu như muốn giữ quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để cố gắng tăng nguồn cung dầu", Tổng thống Biden cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận thấy Chính phủ có thể làm được rất ít điều để ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu thô quốc tế, vốn là nguyên nhân chính khiến giá xăng trong nước lên cao.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết trong tuần trước, Chính quyền Biden đã sẵn sàng triển khai các công cụ của mình nhằm giải quyết đợt tăng giá dầu mới nhất.
"Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các quốc gia sản xuất và tiêu thụ và những bước này đã có tác động thực sự đến giá cả và cuối cùng là các công cụ tiếp tục được thảo luận để chúng tôi hạ nhiệt giá", Emily Horne cho biết, được Reuters dẫn lời.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi giá cả trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kêu gọi sự tham gia của các đối tác OPEC+ nếu thích hợp.” Horne nói thêm.
Giá dầu và xăng cao có thể dẫn đến triệt tiêu nhu cầu, nhưng điều này không phủ nhận thực tế rằng các chính trị gia cầm quyền ở Mỹ và những nơi khác sẽ tiếp tục đối mặt với sự không đồng tình của những cử tri vốn đang phải chi trả cho xăng và thực phẩm với giá đắt đỏ. Tình trạng tương tự ở nhiều nước ở châu Âu cũng có thể xảy ra sau khi hóa đơn tiền điện và khí đốt tự nhiên cao kỷ lục.
Chẳng hạn như, ở Anh, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra — cơ quan quản lý thị trường năng lượng Ofgem sẽ nâng cái gọi là mức giá trần năng lượng kể từ tháng 4, đẩy hàng triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng “đói” năng lượng, nhiều người phải lựa chọn giữa việc ăn uống và sưởi ấm.
Theo một báo cáo của Guardian trích dẫn nghiên cứu từ Resolution Foundation, số hộ gia đình "lo lắng về nhiên liệu" ở Anh sẽ tăng gấp ba lần lên 6,3 triệu vào tháng 4, sau khi điều chỉnh mức giá trần năng lượng. Với những dự báo này, nhiều lời kêu gọi chính phủ phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này.
Từ Anh đến Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác, các chính trị gia rất khó hành động để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Vấn đề là họ có ít công cụ để tác động đến thị trường dầu mỏ được điều hành bởi quy luật cung cầu và OPEC+. Ngay cả OPEC+ cũng không thể làm “ngập lụt” thị trường bằng dầu: rất ít thành viên có thể bơm nhiều hơn mức họ đã khai thác, và ngay cả những thành viên có thể làm như vậy cũng phải đánh đổi bằng công suất sản xuất dự phòng toàn cầu.