Năm ngoái, các nhà giao dịch dầu mỏ toàn cầu đã bị sốc sau khi giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm, một viễn cảnh mà ít ai có thể tưởng tượng được, chứ chưa nói đến việc dự báo trước. Và phản ứng bộc phát của họ trước bất kỳ sự xuất hiện tin tức nào về các biến thể Covid-19 mới dường như là: bán trước, rồi đặt câu hỏi sau. Họ đã làm như thế với biến thể Delta, và bây giờ lại đang làm điều đó với biến thể Omicron.
Sau sáu tháng tăng ấn tượng, giá dầu đột ngột chuyển hướng quay đầu lao dốc khi một làn sóng mới của dịch Covid-19 đe dọa kết thúc sớm chu kỳ tăng giá. Hôm thứ Năm, cả dầu thô WTI và Brent tiếp tục trượt dốc, lần đầu tiên xuống dưới 70 USD kể từ tháng 9 khi chủng virus corona Omicron vài tuần tuổi làm dấy lên lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với việc đi lại và nhu cầu dầu cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Vào ngày 26 tháng 11, giá Brent giảm hơn 10% chỉ trong một ngày lần thứ 15 kể từ khi giao dịch hợp đồng tương lai Brent bắt đầu vào năm 1988, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn thứ năm tính theo USD, và lớn thứ bảy nếu xét về tỷ lệ phần trăm.
Nhưng không chỉ riêng thị trường dầu bị ảnh hưởng nặng nề; thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như phần lớn các hàng hóa khác, cũng đang bị bán tháo.
Chẳng hạn như, giá các kim loại cơ bản đã có một đợt bán tháo trên diện rộng bởi tin tức về biến thể Omicron khiến giới đầu tư lo sợ cho tài sản rủi ro, làm dấy lên lo ngại về khả năng phong tỏa, hạn chế đi lại và tác động đến sự phục hồi kinh tế. Dẫn đầu đà giảm là nhôm và niken, tiếp theo là đồng, thiếc và kẽm; chì có mức giảm nhỏ nhất.
Nhưng không có đủ lý do chính đáng cho tất cả tình cảnh tồi tệ này.
Nỗi sợ hãi vô cớ
Thật vậy, trong báo cáo hàng hóa mới nhất của mình, các nhà phân tích của Standard Chartered đã cảnh báo trong khi xu hướng cơ bản đối với hầu hết các mặt hàng, trong đó có dầu, vẫn có tính hỗ trợ, thì biến thể Omicron đã khơi mào cho những lo ngại phi lý mà có khả năng làm giảm hy vọng về một siêu chu kỳ hàng hóa.
Hôm thứ Hai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm rất cao, với việc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới hiện đang phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế sau đại dịch kéo dài hai năm.
Nhưng thị trường dường như trở nên hoang mang hơn bởi bình luận của Giám đốc điều hành Moderna, Stéphane Bancel, khi đưa ra cảnh báo rằng các loại vắc xin hiện có sẽ kém hiệu quả hơn nhiều trong việc đối phó với Omicron so với các chủng virus trước đó, đồng thời cho biết thêm phải mất vài tháng trước khi các hãng dược phẩm có thể sản xuất vacxin đặc trị Omicron với quy mô lớn.
Ông Bancel cho biết các nhà khoa học đặc biệt lo lắng vì 32 trong số 50 đột biến trong biến thể Omicron nằm trên protein đột biến, loại vacxin hiện tại tập trung vào việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể con người để chống lại virus Covid. Hầu hết các chuyên gia đều không nghĩ rằng một biến thể đột biến cao như vậy sẽ xuất hiện trong vòng chưa đầy một hoặc hai năm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với Bancel.
Nhận xét của người đứng đầu hãng dược phẩm Moderna xuất hiện vào thời điểm nhiều chuyên gia y tế cộng đồng và chính trị gia đang cố gắng đưa ra một giọng điệu lạc quan hơn về khả năng bảo vệ chống lại Omicron của các loại vắc-xin hiện có.
Hôm thứ Hai, Scott Gottlieb, giám đốc của hãng dược Pfizer và cựu Cao ủy Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nói với CNBC: "Có một mức độ tin cậy hợp lý rằng với ít nhất ba liều vacxin, người bệnh sẽ có khả năng bảo vệ khá tốt trước biến thể này. "
Moderna và Pfizer đã trở thành hai nhà cung cấp vắc xin hàng đầu cho hầu hết các nước phát triển.
Đáng khích lệ hơn, đó là những ngày đầu của kỷ nguyên Omicron, nhưng cho đến nay, hầu hết các ca nhiễm đều tương đối nhẹ. Quả thực, WHO đã đưa ra nhận định này và kêu gọi các quốc gia áp dụng "cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và căn cứ theo nguy cơ" cho các biện pháp đi lại thay vì dùng đến các lệnh cấm bao trùm.
Công bằng mà nói, đợt bán tháo dầu đã bắt đầu vào tháng 10 trước khi Omicron trở thành mối quan tâm lớn và tăng tốc vào tháng 11 ngay sau khi OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 xuống 160.000 thùng/ngày, do các yếu tố kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ yếu hơn.
Nhưng trong cùng một báo cáo, OPEC đã đưa ra một lưu ý lạc quan, nói rằng tất cả các dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt trong suốt thời gian còn lại của năm.
Đồn đoán về việc Hoa Kỳ bán dầu từ kho dự trữ chiến lược cũng không giúp ích được gì. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden thông báo sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu thô nhằm hạ nhiệt giá xăng.
Tuy nhiên, thị trường đang định giá quá cao sự kiện chỉ diễn ra một lần này. Theo Goldman Sachs:
"Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy mức giảm giá 8 USD/thùng kể từ cuối tháng 10 là tương đương với mức định giá cho 4 triệu thùng/ngày nhu cầu thị trường bị ảnh hưởng hoặc tăng nguồn cung trong ba tháng tới. Điều này sẽ tương đương với việc giải phóng 100 triệu thùng của chính cũng như nhu cầu bị ảnh hưởng 1,75 triệu triệu thùng/ngày do sự bùng phát trở lại của dịch Covid hiện tại".
Goldman đã duy trì dự báo 85 đô la cho giá dầu Brent trung bình trong quý hiện tại, chỉ ra rằng vẫn thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.
Stanchart thì thực dụng hơn và nói rằng sự thất bại của đợt phục hồi giá dầu cho đến nay có lẽ ám chỉ rằng một quan điểm giao dịch hy vọng tốt nhất về Omicron không có khả năng tồn tại, ít nhất là cho đến khi có thông tin chắc chắn hơn về khả năng lây nhiễm, hiệu quả vắc-xin, và có thể có các phản hồi của chính phủ. Hơn nữa, các nhà phân tích nói rằng nỗi sợ hãi biến thể Omicron có thể là yếu tố quyết định trong việc thay đổi tâm lý đối với những dự báo siêu lạc quan về giá dầu đạt 100 USD/thùng.
Nguồn tin: xangdau.net