Chủ tịch của một công ty thương mại dầu mỏ nhận định, thỏa thuận tăng sản lượng của OPEC+ có thể là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư trong 6 tháng tới.
OPEC+ trấn an thị trường, giá dầu quay đầu giảm
Trong phiên giao dịch sáng ngày 19/7 tại châu Á, giá dầu thô đã giảm gần 1% sau khi OPEC+ đồng ý tăng nguồn cung từ tháng 8 và khép lại tranh chấp giữa hai đồng minh thân cận Arab Saudi - UAE.
Cụ thể, theo ghi nhận của CNBC, giá dầu Brent giao sau có thời điểm giảm 0,88% xuống còn 72,94 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao sau mất 0,97% xuống khoảng 71,11 USD/thùng.
Hồi cuối tuần qua, liên minh dầu mỏ đã nhất trí tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 năm nay. Đồng thời, OPEC+ còn đồng ý nâng hạn ngạch cơ sở đến tháng 5/2022 cho UAE, Iraq, Kuwait, Nga và Arab Saudi.
Trong đó, mức sản lượng cơ sở của UAE được nâng từ 3,17 triệu thùng/ngày lên khoảng 3,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với con số 3,8 triệu thùng/ngày mà đất nước Trung Đông này yêu cầu.
Chia sẻ với CNBC, các chuyên gia cho biết thà các bộ trưởng OPEC+ đạt được thỏa thuận còn hơn là trắng tay ra về. Ông Andy Lipow, Chủ tịch của công ty thương mại Lipow Oil Associates, nhận xét: "Theo tôi, các nước thành viên OPEC+ hiểu rằng thà có thỏa thuận còn hơn không".
Trước khi đạt được thỏa hiệp, các cuộc đàm phán của OPEC+ đã bị rơi vào bế tắc sau khi UAE từ chối lùi thời hạn của thỏa thuận giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu liên minh dầu mỏ không đồng ý nâng hạn ngạch cơ sở cho nước này.
Tình hình khi đó khiến ngành công nghiệp dầu mỏ cũng như nhà đầu tư lo lắng vì một số chuyên gia cảnh báo rằng giá dầu có thể chạm nóc hoặc lao dốc nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận.
"Nếu OPEC và các đồng minh không chốt được thỏa thuận, các nước thành viên sẽ được tháo xích và tự do tăng sản lượng theo ý muốn. Điều này lại còn diễn ra ngay tại thời điểm nhu cầu chưa phục hồi vững chắc vì ảnh hưởng của biến chủng Delta", ông Lipow giải thích.
Bà Helima Croft, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại RBC Capital Markets, cho biết: "Thỏa thuận mới sẽ giúp trấn an thị trường rằng OPEC+ không muốn lao đầu vào rắc rối và ồ ạt bơm dầu ra thị trường trong tương lai gần".
Năm ngoái, để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 5/2020 - tháng 4/2022.
"Có một điểm chắc chắn là liên minh dầu mỏ không muốn giá dầu thô rơi xuống ngưỡng 10 - 20 USD/thùng một lần nữa", ông Lipow nhấn mạnh.
Thương nhân nên mua vào
Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho rằng đây có thể là cơ hội mua vào của các nhà đầu tư. Theo vị chuyên gia, điều đáng chú ý hiện nay là tốc độ khôi phục sản lượng của OPEC+ vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng nhu cầu trên toàn thế giới. Trong tương lai, giá dầu thô sẽ hưởng lợi nhờ điểm này.
"Thực sự đây là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư trong vòng 6 tháng tới, khi mà tồn kho dầu thô trên thế giới tiếp tục giảm. Tại Mỹ, tồn kho của chúng tôi đã giảm khoảng 75 triệu thùng kể từ ngày 1/4 năm nay và đó là kịch bản sắp xảy ra trên toàn thế giới", ông Lipow nhấn mạnh.
Vị chủ tịch của Lipow Oil Associates dự đoán, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thể lên tới 78 USD/thùng trong thời gian tới.
Dù vậy, ông Lipow vẫn cảnh báo: "Song, tôi cũng cho rằng, nhu cầu có thể chưa phục hồi ổn định khi mà biến chủng Delta đang lan rộng trên khắp thế giới. Tất nhiên, điều đó đang kiềm chế giá dầu thô".
Bà Croft của RBC Capital cũng lưu ý rằng thị trường còn nhiều yếu tố bất ổn, vì OPEC+ có thể đảo ngược quyết định tăng sản lượng mới nhất.
"Như Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi đã tuyên bố, liên minh dầu mỏ có thể tạm dừng, đảo ngược hoặc tiếp tục bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19 và những sự việc có khả năng xảy ra trong tương lai", bà Croft nhấn mạnh.
Chẳng hạn, Mỹ và Iran đang đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nếu hai nước hòa giải với nhau, thị trường có thể tiếp nhận đến 2,5 triệu thùng dầu/ngày từ Iran.
Nguồn tin: Vietnambiz