Giá dầu thế giới đã giảm nhanh trong bối cảnh một số yếu tố tiêu cực đến cùng một lúc, bắt đầu từ sự gia tăng sản lượng của của OPEC+ cho đến khả năng sớm kết thúc chương trình nới lỏng định lượng tại Mỹ. Các chuyên gia của 1 prime dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục đà giảm đến một giới hạn nhất định.
Trong phiên giao dịch hôm thứ sáu (20/08), giá dầu Brent giao ngay đã có lúc giảm xuống dưới 65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/5. Giá dầu WTI giao ngay đã giảm xuống dưới 63 USD/thùng. Cần lưu ý rằng, giá dầu đã giảm trong 7 phiên liên tiếp và đánh dấu chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ tháng 02/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu lan rộng ra toàn cầu. Trước đó vào tháng 6/2021, giá dầu Brent và WTI đã có lúc chạm ngưỡng lần lượt là 78 USD/thùng và 77 USD/thùng.
Các yếu tố tác động đến giá dầu
Theo các chuyên gia của 1prime, giá dầu thế giới hiện đang chịu nhiều yếu tố tiêu cực tác động cùng một lúc. Trước hết là những áp lực đến từ tình hình đại dịch ở khu vực châu Á. Sự lo ngại về suy thoái kinh tế mới toàn cầu do sự lây lan của biến thể Delta. Bên cạnh đó, sản lượng lọc dầu tư nhân tại Trung Quốc ghi nhận giảm. Nước này tích cực sử dụng nguồn dầu dự trữ và giảm nhập khẩu dầu thô từ thị trường. Theo Trung tâm năng lượng Skolkovo (Nga), sản lượng nhập khẩu dầu thô tháng 7/2021 của Trung Quốc đã giảm 19,6% so với cùng kỳ, xuống còn 9,71 triệu thùng/ngày.
Một nguyên nhân khác được giới chuyên gia chỉ ra là tiêu thụ nhiên liệu giảm vào thời điểm cuối hè. Theo Viện phát triển công nghệ năng lượng tổ hợp nhiên liệu-năng lượng (Nga), dự trữ xăng dầu tại Mỹ đã gia tăng trong bối cảnh dự trữ dầu thô giảm. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 3,2 triệu thùng trong tuần qua, trong khi dự trữ xăng dầu lại tăng thêm 700.000 thùng. Đồng thời, sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong tuần 13-19/8 đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ đầu năm. Số lượng giàn khoan đang hoạt động tích cực trong các mỏ dầu đạt 397 đơn vị, tăng 131% so với một năm trước đó. Giới chuyên gia kỳ vọng, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng trưởng hơn nữa, chủ yếu là từ các nguồn dầu đá phiến.
Yếu tố cũng rất quan trọng, tác động đến giá dầu tháng 8 này là sự gia tăng sản lượng khai thác của các nước OPEC+. Ngoài ra, một yếu tố nữa là khả năng cắt giảm các chương trình mua lại tài sản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm nay. Các nhà đầu tư đang chờ đợi sự thắt chặt chính sách của FED và kết quả là đồng USD mạnh lên, khiến giá dầu giảm. Công ty phân tích thị trường Freedom Finance (Nga) cho biết, kỳ vọng về việc cắt giảm chương trình QE sắp xảy ra tại Mỹ đã khiến chỉ số DXY (chỉ số phản ánh giá trị của đồng USD) tăng lên gần 93.5, mức cao nhất trong năm nay. Theo một số ý kiến chuyên gia, tổng hợp những nguyên nhân trên có thể dẫn đến sự chuyển dịch cán cân cung cầu dầu trong quý tới theo hướng dư thừa nguồn cung.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Trong điều kiện thị trường hiện nay, một số nhà phân tích nhận định, giá dầu Brent có khả năng giảm tiếp xuống dưới mốc 65 USD/thùng và trong ngắn hạn sẽ được giao dịch trong khoảng từ 65-70 USD.thùng. Tuy nhiên, toàn thị trường không mong đợi giá dầu sẽ giảm mạnh. Nền kinh tế toàn cầu vẫn cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch.
Theo Freedom Finance, trong bối cảnh hiện nay, cân bằng cung cầu trên thị trường sẽ được đảm bảo khi giá dầu ở mức 60-65 USD/thùng. Chính sách của OPEC+ cũng như tình hình đại dịch sẽ tác động đáng kể lên thị trường.