Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại và được dự báo sẽ trầm trọng hơn bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá xăng dầu hôm nay quay đầu đi xuống.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/10, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,54 USD/thùng, giảm 0,34 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 79,06 USD/thùng, giảm 0,22 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 4/10 giảm mạnh trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại trong quý III/2021. Dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và đặc biệt là tại châu Á đã kéo theo tình trạng khan hiếm, giá cả nhiều loại hàng hoá leo thang, lạm phát gia tăng, nhiều chuỗi cung ứng hàng hoá, sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn…
Lo ngại này lại được dấy lên khi theo ghi nhận tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng tại hầu hết các bang của nước này bởi tình trạng từ chối tiêm vắc xin Covid-19 ở giới trẻ của nước này.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô khi nhiều nhà máy sẽ chuyển dịch nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, việc chấp nhận mức chi phí năng lượng cao hơn để sản xuất có thể kéo theo giá cả hàng hoá tiếp tục tăng cao và kéo theo đó là lạm phát tiếp tục gia tăng. Điều này được Tập đoàn tài chính Bank of America (BoA) cảnh báo có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực giảm giá bởi sự trở lại các các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ khi giá dầu tăng cao.
Ngoài ra, giá dầu ngày 4/10 còn chịu áp lực bởi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Cụ thể, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 29/9 cho biết dự trữ dầu thô trong trong tuần trước đã tăng 4,6 triệu thùng, lên 418,5 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1,7 triệu thùng được Reuters đưa ra trước đó.
Hiện thị trường dầu thô đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách của OPEC+ sẽ diễn ra trong ngày 4/10 để ghi nhận các dự báo, đánh giá về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của khối và quyết định về chính sách sản lượng.
Trước đó, trong báo cáo về Triển vọng Dầu mỏ thế giới được phát đi ngày 28/9, OPEC cho biết nhu cầu dầu thô sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch trong năm 2022 và tiếp tục tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ thế giới cũng cho biết, nhu cầu dầu thô sẽ tăng từ mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức tăng 17,6 triệu thùng/ngày.
Khi mà các nhu cầu dầu thô đang tăng cao thì OPEC+ được cho là vẫn sẽ duy trì mức tăng sản lượng 400 ngàn thùng/ngày mỗi tháng trong cuộc họp vào tuần tới.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các loại xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn mức 20.716 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn mức 21.945 đồng/lít; giá dầu diesel không cao hơn mức 16.586 đồng/lít; giá dầu hoả không cao hơn mức 15.643 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn mức 16.580 đồng/kg.