Giá xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng bảy năm trở lại đây
Tại kỳ điều hành ngày 26-10 vừa qua, mặc dù đã dùng tới quỹ bình ổn nhưng mỗi lít xăng E5 vẫn tăng 1.427 đồng, xăng A95 tăng 1.459 đồng. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 lên mức 23.110 đồng/lít, còn xăng A95 lên mức 24.338 đồng/lít. Giá một số mặt hàng dầu cũng tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít.
Khó chồng khó
Vận tải hành khách, hàng hóa đang khốn đốn vì dịch bệnh COVID-19 nay càng thêm điêu đứng khi giá xăng dầu tăng mạnh. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM kiêm Phó Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, đánh giá làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tiếp tục khiến các hãng taxi sụt giảm doanh thu. Nhiều hãng taxi có số lượng lớn xe “đắp chiếu”. Đây là tình cảnh chung của các hãng taxi cả nước.
Đáng chú ý, các đợt dịch liên tục bùng phát khiến lượng khách giảm rất sâu. Tài xế không có khách, không có doanh thu nên bỏ xe. Hiện nay taxi đã hoạt động lại nhưng tình hình cũng không khả quan vì lượng khách đi lại vẫn hạn chế.
“Giá xăng dầu tăng chắc chắn ảnh hưởng lớn đến chi phí của các hãng taxi. Chúng tôi trông chờ cơ quan quản lý có giải pháp hợp lý để giảm bớt gánh nặng, khó khăn cho doanh nghiệp (DN)” - ông Hỷ chia sẻ.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX vận tải Thăng Long, cũng nhìn nhận các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe “trùm mền” thời gian dài vì dịch COVID-19, giờ thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng dầu chiếm tới 40%-45% chi phí hoạt động.
“Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng” - ông Liên nêu thực tế.
Nhưng không chỉ các đơn vị kinh doanh vận tải mà các DN sản xuất cũng đau đầu trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Đại diện một công ty thực phẩm cho hay thời gian gần đây giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, có loại tăng đến 40%, nay đến lượt xăng dầu tăng cao nên chẳng khác nào “cú đánh bồi”.
Đáng lo là khi đầu vào tăng gây áp lực buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Vì vậy, nhiều DN đề nghị cần phải ổn định giá xăng dầu để phục hồi kinh tế.
Giá xăng dầu trong nước tăng lên mức cao nhất trong bảy năm qua, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và đời sống người dân. Ảnh: AN HIỀN
Giảm thuế, phí để giảm áp lực giá xăng dầu
Nhiều ý kiến nhận định giá xăng dầu không dừng lại mà dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và điều này sẽ tác động tới nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Nhà nước có thể sử dụng giải pháp giảm các loại thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu. Bởi các loại thuế, phí hiện chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng tùy loại, trong đó riêng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên đến 3.800-4.000 đồng/lít.
Ông Phạm Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Petro Times, đề xuất trong giai đoạn giá dầu tăng phi mã như hiện nay thì Nhà nước nên có chính sách giảm thuế trong một thời gian nhất định. Ví dụ, từ giờ đến quý II-2022 giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau thời điểm đó thì lại trở về bình thường.
“Điều này có thể hỗ trợ được cho người dân và DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tôi đã làm việc với một số đơn vị vận tải, sản xuất, kinh doanh thì được biết họ đang rất khó khăn, sản phẩm đầu ra không tăng mà chi phí đầu vào cái gì cũng tăng” - ông Kỳ nói.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần giảm thuế, phí xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người dân, DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Qua đó giúp người dân bớt được gánh nặng chi phí, DN giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa.
Đã đề nghị giải pháp với Chính phủ
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho hay từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, khoảng 35%-40%. Tuy nhiên, để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu. Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%-35%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.
Nhưng vì đã sử dụng quỹ nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên dư địa hiện giờ không còn nhiều. Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm quỹ, trong đó có hai tập đoàn xăng dầu lớn là Petrolimex và PVOIL có số quỹ âm lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp để góp phần bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng. “Bộ Công Thương đã đề xuất và lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo. Điều quan trọng bây giờ là Bộ Tài chính cân đối nguồn thu để xem xét việc giảm thuế” - ông Đông nói.
Khi doanh nghiệp bớt được chi phí xăng dầu sẽ giảm được áp lực tăng giá hàng hóa. Ảnh: QUANG HUY
Trong lần trao đổi trước đó với báo chí, ông Đông cũng cho biết ngoài việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu thì có thể cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí. Đơn cử như giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu tăng do giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, ông đề nghị cần xã hội hóa kinh doanh xăng dầu trong nước, không nên “độc quyền” vài đầu mối kinh doanh ngành hàng này. Từ đó tạo được môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững.
Giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: Giá xăng dầu trên thế giới trong năm nay biến động mạnh, từ 52 USD/thùng lên 81 USD/thùng. Hiện thị trường xăng dầu Việt Nam đã có những bước tiến về tính cạnh tranh và quy luật cung cầu đã được tuân thủ. Giá xăng dầu hiện nay đã phản ánh khá chính xác diễn biến của giá xăng dầu thế giới sau đại dịch COVID-19. “Với việc tăng giá xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sẽ có biến động. Các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Bộ Tài chính phải có tính toán và tham mưu, kiến nghị chính sách. Qua đó nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới nền kinh tế, tới quá trình phục hồi kinh tế và sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của người dân” - vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay. CHÂN LUẬN |